Từ nguyên Cataphract

Tên gọi "cataphract" bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ là Κατάφρακτος (kataphraktos hoặc katafraktos), vốn được ghép từ 2 từ gốc: giới từ κατά và φρακτός (nghĩa là được che phủ, bảo vệ), tạo thành 1 từ ghép, nghĩa là "được bảo hộ" hoặc "phủ kín mọi mặt"[1]. Cụm từ này xuất hiện lần đầu trong tiếng Latinh, theo ghi chép của Sisennus: "'loricatos, quos cataphractos vocant'", nghĩa là "người được bảo hộ".

Cuối thời kỳ đế quốc La Mã, đã xuất hiện một số tranh luận về cụm từ này, khi kị binh giáp nặng dùng để chỉ kị binh equites dưới thời Cộng hòa La Mã, gọi là cataphract. Vegetius_một học giả La Mã thế kỷ IV đã dùng cụm từ lorica segmentata hoặc lorica hamata để mô tả cataphract, trong khi sử gia La Mã gốc Hy Lạp đương thời Ammianus Marcellinus lại đề cập: "cataphracti equites (quos clibanarios dictitant)"_kị binh cataphract, theo cách ta gọi họ là clibanarii (đáng chú ý, clibanarii là cụm từ ngoại lại, không phải tiếng Latinh cổ điển).

Clibanarii sau đó trở thành từ vựng Latinh, có nghĩa "kị sĩ giáp lưới sắt", tương đương chữ κλιβανοφόροι (klibanophoroi) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa "chiến binh khuôn nung'' hay ''khuôn rèn sắt", mặc dù từ này xuất hiện trong văn kiện tiếng Latinh nhiều hơn tiếng Hy Lạp xuyên suốt thời kỳ cổ đại. Có hai giả thuyết về nguồn gốc của klibanophoroi: đó có thể dựa vào thực tế rằng kị sĩ mặc bộ giáp sẽ cảm thấy nóng nực như đứng trong lò nung, hoặc thậm chí bắt nguồn từ tiếng Ba Tư cổ của chữ grivpanvar, có nghĩa "chiến binh đeo bọc cổ".

Ammianus Marcellinus ghi nhận: "cataphracti equites (quos clibanarios dictitant)", tức là "kỵ binh cataphract (được gọi là clibanarii)". Về bản chất, clibanarius (số nhiều: clibanarii), cũng là một loại kị binh trang bị tương tự cataphractius. Nhưng trong khi cataphracti dùng thương, giáo dài, lực lượng clibanarii dùng chùy hoặc kiếm[2]. Ở Ba Tư, clibanarii cũng được dùng ám chỉ các cataphract bắn cung (equites sagitarii clibanarii) hoặc đơn giản chỉ là kỵ binh nặng, dẫn đến trường hợp dùng tên gọi clibanarius để nói về cataphract ở các vương quốc Cận Đông, trong khi giới quân sự phương Tây vẫn giữ tên cũ cataphractius. Đôi lúc, các cataphract chỉ dùng thương, không dùng cung lại được gọi là lancer.

Các sử gia La Mã như Arrian, Aelian và cả Asclepiodotus đều sử dụng cụm từ cataphract trong báo cáo quân sự để mô tả một loại kị binh mà cả ngựa chiến lẫn kị sĩ đều được phủ giáp một phần hoặc toàn bộ cơ thể. Một sử gia Byzantine, Leo Diaconis, gọi là πανσιδήρους ἱππότας (pansidearoos ippotas), có nghĩa là "kị sĩ mặc giáp sắt toàn thân".